Kỷ Niệm 110 Năm Ngày Bác Hồ Ra Đi Tìm Đường Cứu Nước.

Ngày 05/6/1911, tại cảng Sài Gòn, trên con tàu Amiral Tatouche Tréville, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành – lấy tên là Văn Ba đã quyết tâm ra đi thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đây là tất cả những điều tôi hiểu”.

 

Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã bước vào con đường lao động đầy vất vả với bao công việc khó khăn, nặng nhọc để kiếm sống và học tập, để thâm nhập vào phong trào công nhân và lao động các nước, từ tàu buôn Pháp, qua tàu buôn Mỹ, cạo tuyết thuê cho một trường học rồi phục vụ trong một khách sạn ở Anh.

Năm 1917, Nguyễn Tất Thành trở lại Pháp. Bắt đầu từ đây, anh có nhiều cuộc tiếp xúc với các nhà văn hóa, trí thức, tham gia các cuộc sinh hoạt chính trị sôi nổi. Khoảng đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành gia nhập Đảng Xã hội Pháp. Ngày 18/6/1919, thay mặt “Hội những người Việt Nam yêu nước” tại Pháp, Nguyễn Tất Thành gửi đến Hội nghị Vécxây Bản yêu sách của nhân dân An Nam đòi Chính phủ Pháp thừa nhận quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Dưới Bản yêu sách Nguyễn Tất Thành ký tên: Nguyễn Ái Quốc. Đây là lần đầu tiên danh xưng Nguyễn Ái Quốc xuất hiện.

Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc được đọc bản sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin. Luận cương của Lênin đã chỉ cho Nguyễn Ái Quốc con đường giành độc lập cho dân tộc và tự do cho đồng bào.

Từ ngày 25 đến ngày 30/12/1920, Nguyễn Ái Quốc tham gia Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội tại thành phố Tua (Pháp) với tư cách là đại biểu chính thức và duy nhất của các nước thuộc địa Đông Dương. Tại Đại hội này, cùng những người cách mạng chân chính của nước Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế III – Quốc tế cộng sản, trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và Người cũng trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên.

Từ thực tế lao động, học tập, thâm nhập đời sống những người lao động, phân tích tình hình chính trị thế giới, tiếp cận với chủ nghĩa Mác – Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn con đường cứu nước đúng đắn, đó là con đường cách mạng vô sản mà sau này Người đã đúc kết: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

Nguồn Ban Tuyên Giáo Đoàn Trường.

Tags:

Tin liên quan

Đăng Ký Trực Tuyến